Tách thửa đất nông nghiệp là gì? Điều kiện, thủ tục
Tách thửa các loại đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng vẫn luôn là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Vậy tách thửa đất nông nghiệp là gì? Điều kiện tách thửa ra sao và thủ tục thực hiện như thế nào? Ở bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc những kiến thức cụ thể xung quanh vấn đề này.
Tách thửa đất nông nghiệp là gì?
Hiểu một cách nôm na, tách thửa đất nông nghiệp là một thủ tục chia nhỏ mảnh đất nông nghiệp đang được sử dụng, canh tác thành nhiều mảnh đất nhỏ hơn. Việc tách thửa nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc chia quyền sử dụng đất từ một người thành 2 người hoặc cho nhiều người khác nhau.
Điều kiện để xin cấp phép tách thửa đối với đất nông nghiệp
Không chỉ riêng tách thửa đất ở, người dân muốn tách thửa đối với đất nông nghiệp hay bất kỳ loại đất có mục đích sử dụng nào thì mảnh đất cần tách thửa cũng bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Luật đất đai.
– Người có nhu cầu và nộp hồ sơ yêu cầu tách thửa phải là chủ đất, tức là cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp để canh tác và đất vẫn còn thời hạn sử dụng.
– Mảnh đất phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định rõ trong Luật đất đai 2013, thuộc khoản 1, điều 168 và khoản 3, điều 186.
– Mảnh đất được cấp phép sử dụng canh tác nông nghiệp không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất nông nghiệp không thuộc diện bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
– Nếu là đất được Nhà nước cho thuê thì mảnh đất đó không gắn liền với nhà ở.
– Mảnh đất không thuộc khu vực đất thu hồi theo thông báo, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Đất không thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất hoặc dự án phát triển nhà ở theo kế hoạch.
– Diện tích mảnh đất đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu và các kích thước tối thiểu được tách thửa. Diện tích đất tối thiểu được tách thửa đất nông nghiệp của mỗi khu vực là khác nhau, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định để phù hợp với từng địa phương.
Quy trình, thủ tục tách thửa đất theo quy định Nhà nước
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin tách thửa đất
Người chủ đất được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu xin tách thửa chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ hợp lệ, gồm: Bản gốc GCN quyền sử dụng đất, bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu, CMND hoặc ca cước công dân, đơn đề nghị tách thửa đất theo mẫu quy định có sẵn.
Trường hợp mảnh đất có đồng sở hữu hoặc là đất chung của hộ gia đình, hay được cấp phép sử dụng chung một nhóm người thì phải cung cấp văn bản thỏa thuận chia tách thửa, chia tách quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ yêu cầu tách thửa đất
Người yêu cầu tách thửa nộp hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ đã chuẩn bị ở trên tại Văn phòng đăng ký đất đai/Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận/huyện nơi có đất. Trường hợp người nộp đơn là các tổ chức, cơ sở tôn giáo, người nước ngoài, tổ chức nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố nơi có đất.
Bước 3: Giải quyết thủ tục tách thửa đất
Sau khi kiểm duyệt và xác nhận hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành đo đạc địa chính mảnh đất và lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký GXN quyền sử dụng đất mới với thửa đất mới tách.
Đồng thời, chỉnh lý, cập nhật biến động vào cơ sở dữ liệu và hồ sơ địa chính, chuyển GCN cho UBND cấp xã nơi có đất để bàn giao cho người nộp hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả tách thửa đất
Sau khi nhận được thông báo từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người nộp đơn nộp đủ các loại thuế, lệ phí theo quy định và nhận kết quả yêu cầu tách thửa/Giấy chứng nhận mới tại UBND cấp xã.
Như vậy, thủ tục tách thửa đất nông nghiệp đã hoàn thành và người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất cũng như mục đích sử dụng đúng với quy định của Nhà nước trên thửa đất mới.