Thủ tục nhập trạch về nhà mới để mọi sự hanh thông, suôn sẻ
Thủ tục nhập trạch là truyền thống của người Việt Nam ta, là nghi thức quan trọng cần thực hiện trước khi vào sống ở nhà mới. Tuy nhiên, rất nhiều người lần đầu nhập trạch chưa có kinh nghiệm nên vẫn còn băn khoăn, không biết phải làm như thế nào. Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn nhập trạch cần chuẩn bị những gì, thực hiện nghi thức ra sao.
Mục Lục
Ý nghĩa của thủ tục nhập trạch về nhà mới
Nhập trạch là một từ Hán Việt, nhập là vào, còn trạch tức là nhà. Như vậy, nhập trạch được hiểu là thủ tục vào ở nhà mới. Đây là một nghi lễ quan trọng của chủ nhà, nhằm báo cáo với các bậc gia tiên cũng như các vị thần thổ công, thổ địa là nhà mới đã được xây xong.
Thông qua nghi thức nhập trạch, gia chủ cũng mong muốn sẽ được các gia tiên và các vị thần chứng giám, bảo hộ để gia đình luôn được bình an và gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Chính vì vậy, thủ tục nhập trạch phải chọn ngày giờ đẹp nhất mà ông bà ta vẫn gọi là ngày giờ hoàng đạo để thực hiện.
Chọn ngày giờ hoàng đạo như thế nào?
Ngày hoàng đạo:
Ngày hoàng đạo là ngày đẹp nhất, tốt nhất trong tháng, thậm chí nhiều gia chủ còn kỹ lượng chọn ngày đẹp nhất năm để làm lễ nhập trạch. Ngày hợp tuổi, hợp mệnh, tốt cho công việc làm ăn và mang đến may mắn, thuận lợi cho gia chủ sẽ được xem là ngày đẹp. Vậy nên, với mỗi gia chủ sẽ chọn được những ngày nhập trạch khác nhau. Tuy nhiên vẫn có những ngày được coi là đẹp hợp với tất cả tuổi mệnh.
Giờ hoàng đạo
Tương tự ngày hoàng đạo, mỗi người cũng có thể chọn giờ đẹp khác nhau để là lễ nhập trạch. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phong thủy nhà ở thì không nên nhập trạch vào buổi tối, sau khi mặt trời lặn và ngày cuối tháng. Thời gian tốt nhất để thực hiện thủ tục nhập trạch nên làm vào buổi sáng, giữa trưa hoặc trước lúc mặt trời lặn và nên thực hiện từ ngày mùng 1 đến 15 âm lịch.
Mâm lễ cần chuẩn bị để làm lễ nhập trạch
Mâm lễ nhập trạch không yêu cầu quá cầu kỳ hoa mỹ, cũng không ai quy định phải gồm những gì. Nhưng để đầy đủ và chu đáo nhất, gia chủ nên chuẩn bị những lễ vật sau: Hương (nhang) thơm, tiền vàng mã rượu trắng, hoa tươi, trầu cau tươi, gà trống luộc nguyên con, xôi nếp, bánh kẹo, nến hoặc đèn dầu, chè/cháo trắng/cơm trắng, thịt lợn quay để nguyên miếng lớn, muối hạt, gạo tẻ, trứng luộc, tôm hoặc cua luộc.
Không chỉ chuẩn bị đầy đủ, gia chủ còn nên lựa chọn đồ lễ và bày trí sao cho đẹp mắt để mâm đồ lễ thêm phần trang trọng, thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần linh và gia tiên. Đặc biệt lưu ý đừng quên chuẩn bị văn khấn cáo yết gia tiên và văn khấn thần linh.
Nghi thức nhập trạch
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý khi làm lễ nhập trạch là gia chủ sẽ là người đầu tiên bước vào nhà mới, tay bê bát hương thờ Thổ công, bước qua bếp than củi đã đốt sẵn đặt ở cửa chính và bước chân trái vào trước, chân phải bước vào sao.
Theo sau sẽ là các thành viên khác trong gia đình cũng bước vào tương tự như vậy. Tiếp đó, lần lượt đưa chiếu/đệm đang sử dụng, bếp lửa (nên dùng bếp có ánh lửa như bếp ga, bếp dầu thay vì bếp điện), chổi quét nhà và mâm lễ vật.
Khi làm lễ, tất cả đèn điện trong nhà đều phải bật sáng, đồng thời mở hết tất cả cửa lớn, cửa sổ để đón ánh sáng là khí lành vào nhà. Thứ tự làm lễ nhập trạch là cúng Thổ công trước rồi mới xin phép rước gia tiên vào để thờ phụng sau.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết và hướng dẫn thủ tục nhập trạch chi tiết cho những ai còn đang băn khoăn. Chúc các bạn thực hiện lễ nhập trạch suôn sẻ và cuộc sống ở nhà mới nhiều may mắn, thuận lợi.